TẮC TĨNH MẠCH TRUNG TÂM VM
Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc là sự ngừng trệ tuần hoàn trở về, xảy ra ở thân tĩnh mạch trung tâm võng mạc, ngay đĩa thị hoặc tắc nhánh tĩnh mạch thường gặp sau chỗ bắt chéo động-tĩnh mạch.
1. Các yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ tắc tĩnh mạch võng mạc
* Yếu tố toàn thân:
– Thường gặp ở người nhiều tuổi
– Cao huyết áp
– Đái tháo đường
– Rối loạn đông máu, mỡ máu cao…
* Yếu tố tại mắt:
– Nhãn áp cao
– Viêm thành mạch…
2. Các biểu hiện lâm sàng:
* Dấu hiệu cơ năng: giảm thị lực nhiều hoặc ít, cảm giác như sương mù hoặc có ám điểm trung tâm.
* Khám bán phần trước thường không phát hiện được tổn thương gì
* Khám đáy mắt: đây là khám nghiệm bắt buộc và có giá trị chẩn đoán. Soi đáy mắt hoặc chụp đáy mắt xuất hiện:
– Dãn tĩnh mạch: hệ tĩnh mạch dãn to, ngoằn nghèo, dãn cả về khẩu kính và chiều dài. Xuất huyết, phù gai thị, xuất tiết mềm, xuất tiết cứng…
* Biểu hiện cận lâm sàng: Chụp mạch huỳnh quang võng mạc là khám quan trọng có giá trị chẩn đoán, là cơ sở phân loại và hướng điều trị.
3. Các hình thái lâm sàng: bệnh có thể diễn biến theo các hình thái lâm sàng khác nhau. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh có thể tiến triển từ hình này sang hình thái khác.
* Hình thái thiếu máu: đây là hình thái nặng, chiếm khoảng 15%, thường hay gặp ở người cao tuổi, thị lực thường không hồi phục. Bệnh có thể tiến triển thành Glocom tân mạch, gây đau nhức khó chịu sau khoảng 3 tháng không được điều trị.
* Hình thái phù: thường gặp hơn, chiếm khoảng 65%, thị lực giảm. Tiến triển: Có thể tốt, dấu hiệu cơ năng giảm dần. Đáy mắt: những xuất tiết mềm tiêu sau 2 tháng, xuất huyết và phù giảm đi.
Song trong 1 nửa số trường hợp phù hoàng điểm kéo dài đưa đến phù hoàng điểm dạng nang, gây giảm thị lực không hồi phục. Và có 1/4 số trường hợp có thể chuyển sang hình thái hỗn hợp với nguy cơ sinh tân mạch.
* Hình thái hỗn hợp: Thị lực giảm, có ám điểm trung tâm, nhiều xuất huyết, phù võng mạc, nhiều xuất tiết mềm. Bệnh có thể tiến triển thành hình thái thiều máu hoặc hình thái phù. Tuy nhiên không trầm trọng như hình thái thiếu tưới máu. Những tân mạch võng mạc và gai thị xuất hiện ở rìa vùng thiếu máu nhưng tỷ lệ của vùng thiếu tưới máu ít không đủ để kích thích sinh tân mạch mống mắt.
4. Điều trị: Chỉ định chụp đáy mắt là rất cần thiết cho điều trị. Nếu chúng ta không xác định được phương hướng điều trị, sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: gây đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn.
* Điều trị nội khoa:
– Các thuốc chống ngưng kết tiểu cầu.
– Giảm rối loạn tính thấm và huyết động.
– Chống xuất huyết và xuất tiết.
– Corticoide được dùng khi có phản ứng viêm.
* Điều trị quang đông võng mạc bằng Laser: điều trị cho hình thái thiếu máu và hình thái hỗn hợp. Dựa vào hình ảnh huỳnh quang, quang đông tất cả những vùng thiếu tưới máu để đề phòng xuất hiện tân mạch và các biến chứng của tân mạch. Nếu vùng thiếu tưới máu rộng, cần quang đông toàn bộ võng mạc chỉ chừa lại cực sau giữa 2 cung mạch thái dương (Pan-photo).
Ở hình thái phù, chỉ quang đông khi có xuất tiết vòng bao quanh những vùng tổn thương vi mạch gây dị thường mạch máu. Nếu phù hoàng điểm kéo dài, thị lực giảm thì có thể quang đông dạng lưới vào những hốc võng mạc phù nặng, nhưng vẫn phải trừ lại vùng trung tâm hoàng điểm 500m để tránh nguy cơ gây ám điểm trung tâm.
* Điều trị lạnh đông và phẫu thuật (khi có chỉ định)
* Nếu đã có biến chứng Glocom tân mạch thì các biện pháp điều trị ít có kết quả, cần thiết phải quang đông, lạnh đông hoặc điện đông thể mi. Đôi khi phải cắt bỏ nhãn cầu nếu đau kéo dài. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải quang đông hay lạnh đông những hình thái thiếu tưới máu võng mạc nặng để tránh hình thành Glocom tân mạch.