Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch là bệnh xảy ra khi có thanh dịch của võng mạc nhận cảm thần kinh bị bong ra do có dịch rò rỉ từ mạng mạch qua biểu mô sắc tố võng mạc
Đây là bệnh liên quan đến quá trình rối loạn vận mạch, rối loạn “hàng rào máu” ở trong võng mạc. Thường không xác định được nguyên nhân gây bệnh.
Đối tượng mắc bệnh
Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch gặp ở khắp nơi trên thế giới, nhưng thấy nhiều ở các nước Đông nam Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam… Bệnh thường xảy ra ở những người tuổi từ 20 trở lên.
Nam gặp nhiều hơn nữ. Ít gặp ở người trẻ và người già. Bệnh thường gặp ở một mắt, có tính chất tái phát (nhiều tác giả báo cáo tỉ lệ tái phát tới 30% trong vòng hai năm).
Bệnh hay xảy ra trên người có yếu tố tâm lý dễ tác động, người dễ xúc động, stress… Những người có cơ địa đặc biệt, hay hút thuốc lá, có bệnh lý toàn thân, hay lo lắng, mất ngủ… cũng rất dễ mắc căn bệnh này.
Triệu chứng bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch
Bệnh nhân nhìn mờ, không hoàn toàn giống nhau, thường giảm còn 5/10 tới 6/10 nếu bệnh tái phát nhiều lần, thị lực có thể chỉ còn 1/10 đến 2/10. Bệnh nhân nhìn vật thấy biến dạng, méo, cong. Đôi khi nhìn màu sắc thấy thay đổi nhất là màu nhạt, màu sáng và vàng, bệnh nhân trường thấy bóng đen che trước mắt.
Xuất hiện ám điểm trung tâm hay bán trung tâm tương đối, điều này có thể phát hiện bởi bảng ô vuông Amsler. Bệnh nhân có đôi khi đau đầu, đau nhức mắt.
Chẩn đoán bệnh
Khi thăm khám đáy mắt, bác sĩ sẽ phát hiện thấy hoàng điểm sẫm màu, giảm hay mất ánh sáng trung tâm. Vùng tổn hại lồi cao bờ phản sáng có khi cả vòng tròn, có khi chỉ là một phần của vòng tròn, có thể phát hiện chất lắng cặn thường sau 4 tuần bị bệnh, màu sắc vàng, nhỏ tròn như đầu kim, rải rác ở vùng tổn hại, những chấm này không đúc nhập lại và tồn tại kéo dài nhiều tháng trời, tiêu rất chậm.
Khám bằng sinh hiển vi bác sĩ sẽ thấy thời gian đầu võng mạc chia làm hai phần:
- Phần trong có mạch máu trong suốt lồi về phía buồng dịch kính.
- Phần ngoài là lớp biểu mô sắc tố và giữa là dịch đọng dưới võng mạc
Chất lắng cặn thường xuất hiện sau 3-4 tuần.
Chẩn đoán bệnh qua thăm khám, soi đáy mắt. Chẩn đoán xác định và theo dõi chủ yếu bằng chụp cắt lớp võng mạc. Nếu bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần có thế chụp mạch huỳnh quang.
Điều trị bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch
Điều trị của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch: do chưa biết được tại sao gây rối loạn vận mạch, mao mạch, hắc mạc và biểu mô sắc tố do đó hướng điều trị là hỗ trợ và nâng đỡ để bệnh nhanh khỏi hơn.
Sử dụng quang đông – laser đốt chỗ rò rỉ cách hoàng điểm hai đường kính gai thị. Nhiều tác giả thông báo kết quả tốt, bệnh ít tái phát. Tuy nhiên Laser võng mạc có những biến chứng đi kèm nên cần cân nhắc, thường áp dụng cho bệnh kéo dài hoặc tái phát nhiều lần.
Bên cạnh đó kết hợp điều trị bởi thuốc dãn mạch, giảm phù nề, tăng cường dinh dưỡng. Tiên lượng của bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch nhìn chung là lành tính.
Bệnh nhân mắc bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch cần chú ý nghỉ ngơi, tránh những yếu tố bất lợi như: rượu, thuốc lá, căng thẳng thần kinh, mất ngủ… Bệnh nhân không nên quá lo lắng khi mắc bệnh này, bởi bệnh lành tính và hầu như chỉ cần dùng thuốc đã khỏi.
Tiến triển của bệnh
-Bệnh hắc võng mạc trung tâm thanh dịch thường diễn biến một thời gian, sau đó tự khỏi trong khoảng 1-6 tháng và đa số bệnh nhân thường phục hồi thị lực tốt . Dù thị lực được phục hồi nhưng bệnh nhân vân có thể bị các triệu chúng như: nhìn vật biến dạng, giảm độ tương phản,…
-Số ít bệnh nhân còn lại phục hồi thị lực kém hơn và có nhiều nguy cơ tái phát hoặc chuyển thành bệnh biểu mô sắc tố lan tỏa, gây giảm thị lực nặng
- Có 40-50% bệnh nhân bị HVMTTTD điển hình bị tái phát trên cùng một mắt
-Nguy cơ gây tân mạch hắc mạc là khá thấp ( dưới 5%) nhưng nguy cơ này tăng cao hơn ở người lớn tuổi
BS.TRẦN LÊ ĐÌNH VIÊN