Gửi thông tin tư vấn

Mời các bạn để lại thông tin dưới đây, chúng tôi sẽ liên hệ ngay với bạn!

Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ, viêm kết mạc mãn tính...)

Ngày đăng: 20/02/2020 bởi admin
Lượt xem: 5308

Viêm kết mạc còn được gọi  đau mắt đỏ. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em nhưng bất kỳ lứa tuổi nào cũng có thể bị bệnh.

Viêm kết mạc là bệnh lý nhẹ mặc dù gây lo lắng nhưng ít khi gây biến chứng nghiêm trọng.

Viêm kết mạc là gì?

Kết mạc là lớp màng niêm mạc che phủ phần củng mạc (lòng trắng) của nhãn cầu và phía trong của mi mắt. Khi lớp niêm mạc này bị viêm được gọi là viêm kết mạc. Nguyên nhân của viêm kết mạc có thể là do nhiễm trùng (vi khuẩn hoặc virus), do dị ứng, do kích ứng (khói, bụi, hóa chất chlorin trong bể bơi…

Bệnh thường lây lan giữa các cá nhân trong gia đình, cộng đồng nơi sinh sống và nơi công sở. Nơi phát bệnh nhiều khi lại là môi trường y tế, nơi giao lưu giữa người bệnh và người lành.

Đại đa số những trường hợp viêm kết mạc là nhẹ không gây tổn thương nhãn cầu và không ảnh hưởng đến thị lực. Thế nhưng trong một số ít trường hợp có thể gây biến chứng cho nên nếu thấy trẻ bị đau mắt đỏ bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Triệu chứng:

Thời gian ủ bệnh (kể từ khi bị nhiễm đến khi bị bệnh) phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh có thể từ vài ngày đến vài tuần.

Viêm kết mạc có thể bị một bên hoặc cả hai bên, ban đầu của bệnh chỉ là ho, sốt, mệt, nóng rát mắt, đau, có cảm giác cộm mắt, nhìn mờ, mi mắt sưng nhẹ…5-7 ngày sau thì một bên mắt bị đỏ, ra gỉ, chảy nước mắt, 3-5 ngày sau sẽ lây sang mắt còn lại. Bệnh có thể không cân xứng, một mắt nặng hơn mắt kia.Đây là bệnh lành tính xong vẫn có tỷ lệ biến chứng là 20%, nhiều nhất là viêm giác mạc hoặc để lại sẹo, giảm thị lực do không điều trị đúng cách và kịp thời.

Trên thực tế rất khó để xác định viêm kết mạc là do vi khuẩn hay virus. Thường thì nếu nguyên nhân do virus thì dử mắt loãng hơn còn nếu do vi khuẩn thì dử mắt thường đặc như mủ. Khi ngủ dậy vào buổi sáng 2 mi mắt có thể dính lại với nhau. Nếu viêm kết mạc do dị ứng trẻ có thể cảm thấy ngứa và chảy nước mắt.

Các triệu chứng chủ quan rễ phát hiện như:
– Mắt đỏ

– Cộm mắt như có cát trong mắt

– Chói mắt

– Chảy nước mắt

– Nhiều rử mắt: Dính, khó mở mắt khi sáng ngủ dậy

– Đặc biệt thị lực không giảm ở giai đoạn đầu mắc bệnh

– Mi mắt có thể sưng nề và xung huyết

Nguyên nhân gây bệnh:

Dưới đây là những nguyên nhân gây nên ra viêm kết mạc và nguy cơ gây giảm hoặc mất thị lực.

1. Đỏ mắt xuất hiện đơn độc.

Đỏ mắt không kèm theo giảm thị lực hoặc đau nhức mắt. Nguyên nhân do xuất huyết dưới kết mạc nhãn cầu, kết mạc cùng đồ do bệnh tăng huyết áp, do chấn thương kết mạc. Xuất huyết dưới kết mạc sẽ khỏi trong khoảng vài ngày hoặc vài tuần và không ảnh hưởng tới thị lực.

2. Đỏ mắt và mắt có tiết tố

Viêm kết mạc do vi-rut, vi khuẩn (Conjonctivites virales et bacteriennes)

Viêm kết mạc do vi-rut, vi khuẩn có thể một mắt hoặc hai mắt. Mắt đỏ, chảy nước và nhiều tiết tố dính. Mi mắt có thể sưng nề, khó mở mắt. Thị lực không giảm.

Viêm kết mạc do vi-rut có thể kèm theo viêm giác mạc, gọi là viêm kết – giác mạc và gây giảm thị lực. Sau quá trình viêm có thể để lại sẹo trên giác mạc và gây giảm thị lực vĩnh viễn.

Viêm kết mạc do nguyên nhân dị ứng (Conjonctivites allergiques)

Viêm kết mạc do nguyên nhân dị ứng thường biểu hiện kéo dài và 2 mắt. Các triệu chứng bệnh nhân cảm thấy khó chịu như cộm mắt, chói mắt, chảy nước mắt nhiều và khó mở mắt. Mi mắt có thể sưng nề và ít tiết tố dính. Một số trường hợp có kèm theo viêm mũi dị ứng hoặc hen.

Viêm kết mạc mùa xuân: Thường thấy ở trẻ trai, từ 7 tuổi đến 15 tuổi. Bệnh kéo dài nhiều năm, thỉnh thoảng có những đợt viêm cấp tính. Bệnh cần được theo dõi và điều trị tốt, đề phòng các biến chứng đe dọa giảm hoặc mất thị lực.

  • Viêm mi – kết mạc dị ứng do tiếp xúc: Đỏ mắt có kèm theo mi sưng nề và có bọng nước. Thường gặp nhất do thuốc tra tại mắt, mỹ phẩm, các hóa chất sử dụng trong sinh hoạt hoặc trong công việc. Bệnh nhân cần đi khám ngay để được bác sỹ tư vấn điều trị sớm, đề phòng biến chứng đe dọa giảm thị lực.
  • Hội chứng Stevens-Johnson: Xảy ra khi người bệnh bị dị ứng với một loại thuốc uống, tổn thương của bệnh biểu hiện chủ yếu ở da và niêm mạc. Tại mắt, đỏ 2 mắt ở nhiều mức độ khác nhau biểu hiện tình trạng viêm kết mạc, có thể có hiện tượng hoại tử kết mạc, gây tình trạng khô mắt nặng. Ngay khi bị bệnh, đồng thời với việc điều trị các tổn thương toàn thân, việc chăm sóc và điều trị tại mắt là vô cùng cần thiết, phòng nguy cơ giảm thị lực và mất thị lực.

3. Các bệnh lý khác có kèm theo hội chứng đỏ mắt
- Tổn thương giác mạc: Khi có tổn thương giác mạc thì triệu chứng đau nhức mắt là triệu chứng khó chịu nhất, khiến bệnh nhân phải đi khám ngay. Kèm theo là các triệu chứng như đỏ mắt, chảy nước mắt, khó mở mắt. Nguyên nhân thường gặp gây tổn thương giác mạc như bị bụi hay vật lạ bay vào mắt. Ngay khi gặp tình trạng này, việc rửa mắt bằng nước sạch là cần thiết, tránh dụi mắt và dùng các vật để cố gắng lấy bụi, vật lạ ra khỏi mắt. Nếu không xử lý phù hợp sẽ dẫn tới loét giác mạc và nguy cơ nhiễm khuẩn nhiễm nấm giác mạc, gây giảm thị lực hoặc mất thị lực.
- Viêm mống mắt thể mi hoặc màng bồ đào trước cấp tính: Là một cấp cứu trong nhãn khoa, tiến triển nhanh, cần được khám và điều trị sớm. Bệnh có thể thấy ở trẻ em và người lớn. Đỏ một mắt, mức độ nhẹ và thị lực có thể giảm ít trong 1 đến 2 ngày đầu, cho nên người bệnh dễ bỏ qua. Khi bệnh toàn phát, triệu chứng đỏ mắt, đau nhức mắt tăng nhiều và giảm thị lực nặng nề, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây mất thị lực.
- Viêm thượng củng mạc hoặc viêm củng mạc: Triệu chứng đau nhức mắt ở mức độ nặng, kèm theo với triệu chứng đỏ mắt khu trú ở một vùng thuộc củng mạc (phần lòng trắng của mắt) là triệu chứng bắt buộc người bệnh phải đi khám. Bệnh viêm củng mạc có thể nằm trong bệnh cảnh toàn thân như viêm đa khớp, viêm cột sống dính khớp, các bệnh viêm mạch máu hoặc cũng có thể xảy ra sau phẫu thuật tại mắt hoặc sau chấn thương ở vùng củng mạc. Người bệnh cũng cần phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị để phòng các biến chứng gây giảm và mất thị lực.
- Bệnh glocom: Các triệu chứng đau nhức mắt dữ dội, nhìn mờ và đỏ mắt biểu hiện cơn glocom góc đóng cấp tính. Kèm theo bệnh nhân có thể đau nhức nửa đầu. Bệnh có nguy cơ gây giảm thị lực trầm trọng.
- Chấn thương mắt: Các chấn thương mắt thường gặp như bỏng mắt do các loại hóa chất sử dụng trong sinh hoạt, trong phòng thí nghiệm hoặc trong công nghiệp; chấn thương mắt do các vật sắc nhọn hoặc không. Sau khi người bệnh bị chấn thương có các biểu hiện đau nhức mắt nhiều, nhìn mờ và đỏ mắt. Các tổn thương có thể gặp như viêm kết – giác mạc với các mức độ khác nhau, rách kết mạc, rách giác – củng mạc, lệch thủy tinh thể, đục vỡ thủy tinh thể, xuất huyết nội nhãn, bong võng mạc. Tiên lượng về thị lực của các trường hợp chấn thương mắt rất kém và có thể mất thị lực.

 

Phòng và Điều trị:

Không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu quả Bệnh đau mắt đỏ do virus gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh, có các viêm nhiễm phối hợp hay không… Người bệnh cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối, tra thuốc mắt theo đúng chỉ định.Người bệnh cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Việc này tuy không thể loại trừ hết nguy cơ lây bệnh nhưng giúp giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.Chưa có thuốc đặc trị cho viêm kết mạc dịch, bệnh có xu hướng tự khỏi trong 7 – 10 ngày. Thông thường bệnh được chỉ định dùng các thuốc diệt virus dùng uống, tra, nhỏ mắt được bác sĩ kê đơn trong những trường hợp cụ thể. Dùng kháng sinh nhỏ mắt phổ rộng hay kháng sinh kết hợp với cortizol nhỏ mắt. Nhỏ nước muối nhiều lần trong ngày để rửa sạch mắt.

Lưu ý: Không tự ý tra thuốc bừa bãi. Cẩn thận khi dùng thuốc ClodexaNemydexa vì các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Không nên dùng biện pháp xông lá vào mắt…

Phòng bệnh đau mắt đỏ:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng.
  • Không dụi tay lên mắt.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt…
  • Nên đeo kính râm khi ra đường. Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt nên rửa mặt sạch rồi rửa mắt bằng nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9%.
  • Tránh tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì cần thường xuyên rửa mắt bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng xát khuẩn.

Khi thấy các triệu chứng như mắt cộm, ngứa, có dử mắt, chảy nước mắt thì nên đến chuyên khoa mắt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng biến chứng bệnh.

Dùng thuốc đúng cách:

Nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% dạng nhỏ mắt nhiều lần trong ngày. Rửa mắt làm trôi đi mầm bệnh, đẩy rỉ ra ngoài, làm ẩm và an dịu cho bề mặt nhãn cầu. Có thể rửa mắt mỗi khi thấy kèm nhèm hoặc trung bình 10 lần/ngày.

Nước mắt nhân tạo, chất làm ẩm hay bôi trơn nhãn cầu có độ nhớt thấp cũng có thể dùng cho đau mắt đỏ với tác dụng như trên và đem lại cảm giác dễ chịu cho mắt. Cũng cần nói thêm là nước muối hay nước mắt nhân tạo không làm kết thúc nhanh diễn tiến của bệnh.

Đối với kháng sinh, thông thường người dân sẽ thích dùng kháng sinh mạnh, có người còn tiêm kháng sinh vài ngày. Một số người thì tự mua kháng sinh đắt tiền để tra mắt. Thực ra, kháng sinh không giết được virut gây bệnh, có chăng là diệt các vi khuẩn bội nhiễm luôn có mặt kèm với virut khi chúng hoành hành ở kết mạc. Thái độ đúng đắn trong việc sử dụng kháng sinh trong đau mắt dịch là: dùng một kháng sinh tra mắt phổ rộng là đủ. Thuốc nội hay ngoại tùy thuộc vào kinh tế của bệnh nhân.

Người ta ít dùng thuốc mỡ trong giai đoạn cấp, do sẽ làm tăng cảm giác khó chịu khi đang ở giai đoạn viêm. Các thuốc được quảng cáo là để chữa đỏ mắt phần lớn sẽ không có tác dụng chữa đau mắt dịch, đặc biệt là những thuốc có chất co mạch có thể làm viêm nặng lên hoặc gây xuất huyết kết mạc.

Các sản phẩm có cortizol, nên thận trọng!

Có quá nhiều sản phẩm không cần kê đơn mà bạn vẫn mua được ở hiệu thuốc một cách dễ dàng như: nemydexa, clodexa, cloxit H… Người bán hàng có thể mời chào bạn, khi đọc chỉ định cũng thấy rất có lý thế nhưng dùng nó lại không đơn giản. Kinh điển các sản phẩm loại này có thể dùng để cắt ngắn đi chu trình bệnh ở giai đoạn gần lui bệnh hoặc giai đoạn có biến chứng. Bạn đừng nên tự mua thuốc và tra mắt bởi chỉ có bác sĩ nhãn khoa mới biết được bạn có đúng bị đau mắt dịch không? Đang ở giai đoạn nào của bệnh, có nguy cơ biến chứng hay đang bị biến chứng gì?

Ngoài ra, có thể dùng các sản phẩm có kết hợp kháng sinh mạnh và một chống viêm dòng cortizol như tobradex, decordex, vigadexa… nhưng bác sĩ phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể mới cho dùng các thuốc này.

Nguy cơ khi sử dụng thuốc không đúng.

Nhỏ nước muối Natri clorid 0,9% thường xuyên để rửa sạch mắt hàng ngày.

Những người nôn nóng, sốt ruột thường muốn khỏi bệnh nhanh. Họ tự mua thuốc về tra, tự xông lá, làm theo lời mách bảo. Vì vậy, có nhiều trường hợp đã bị bỏng mắt do xông lá hay tinh dầu. Nhỏ cortizol tùy tiện gây loét giác mạc do Herpes hay nấm, năm nào cũng làm hàng chục, hàng trăm người mù lòa. Chỉ sau nhỏ 2 lọ clodexa cũng làm bạn phát sinh bệnh glôcôm, có thể gây mù lòa, điều trị rất phức tạp và tốn kém.

Vì vậy, quan điểm dùng thuốc nói chung hay các thuốc có cortizol nói riêng là phải rất thận trọng. Khi dùng phải có ý kiến của bác sĩ. Dừng thuốc khi đã đạt mục đích điều trị. Khi dừng thuốc cần giảm liều dần dần, có theo dõi và khám lại theo hẹn.

Bệnh nhân khi bị bệnh đau mắt đỏ nên đến cơ sở điều trị chuyên khoa để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý dùng thuốc. Thông thường, đau mắt đỏ có tiến triển lành tính, có thể khỏi trong một tuần. Nhưng bệnh cũng có thể diễn biến nặng gây tổn thương trên giác mạc (lòng đen), ảnh hưởng đến thị lực, lúc đó, việc điều trị rất dai dẳng.

Bình luận facebook

Các bài viết khác

Mộng thịt
20/02/2020
1714 lượt xem
Khô mắt
20/02/2020
1960 lượt xem
Bệnh mắt hột
20/02/2020
2954 lượt xem
Danh mục dịch vụ

Thông tin liên hệ

Gọi ngay để được tư vấn
QUẢNG NAM

An Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam.

0235 3818 996

bvmat.qna@gmail.com

Thời gian làm việc

Thời gian làm việc từ thứ hai đến thứ sáu trừ các ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước. Cấp cứu 24/7.

  • Sáng: Từ 7h00 đến 11h30
  • Chiều: Từ 13h30 đến 17h00

Đặt lịch khám