Mộng thịt có mầu đỏ hầu như không có hại, tuy nhiên nó trông khó coi và có thể che khuất tầm nhìn.
Mộng thịt là gì?
Mộng thịt là một mô thịt phát triển hình tam giác hoặc hình cánh trên giác mạc. Nó thường xuất hiện ở góc trong hoặc góc bên ngoài của mắt.
Đó là một tổn thương lành tính, phát triển chậm, và hầu như không có hại. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nó có thể lan ra toàn bộ giác mạc trung tâm và ảnh hưởng đến thị lực.
(Số nhiều của “Pterygium – Mộng thịt ” là “pterygia” )
Nguyên nhân gây mộng thịt ?
Nguyên nhân ra mộng thịt được cho là do nhiều yếu tố tác động với nhau, dù vậy nguyên nhân chính vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, ánh sáng tia cực tím (UV) từ mặt trời đã chứng minh là có khả năng gây ra nhất. Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời bên ngoài trong thời gian dài, trong điều kiện khô và bụi bẩn cũng được cho là những yếu tố gây nên mộng thịt.
Làm thế nào tôi biết nếu tôi bị mộng thịt?
Triệu chứng bao gồm:
• Một khối trắng phát triển với các mạch máu dễ thấy ở những góc trong và/hoặc góc ngoài của mắt.
• Mộng mắt có thể bị ở cả hai mắt
• Đỏ trên vùng bị tổn thương
• Rát mắt
• Triệu chứng khô mắt
• Thỉnh thoảng chảy nước mắt
• Xốn mắt
• Mắt mờ (trong những trường hợp nặng khi khối phát triển này bao phủ giác mạc trung tâm hoặc khi nó gây ra loạn thị do áp lực đè nặng lên bề mặt của giác mạc)
Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa mộng thịt?
Bạn nên sử dụng mắt kính chống tia tử ngoại khi ra ngoài trời hoặc lái xe, và đội nón có vành khi trời nắng gắt.
Các phương pháp nào điều trị mộng thịt?
Trong những trường hợp mộng mắt mới phát triển, khi không có triệu chứng và khi mộng thịt không ảnh hưởng đến thẩm mĩ của mắt, thì không cần phải làm gì.
Nếu mộng thịt gây rát mắt, đỏ mắt hay khó chịu, dùng nước mắt nhân tạo có thể giúp mắt đỡ khô và giảm sự khó chịu. Tuy nhiên, thuốc nhỏ mắt sẽ không tác động đến sự phát triển của mộng thịt.
Khi mộng thịt làm ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ của mắt, hay gây ra các triệu chứng như thị lực bị mờ, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để cắt bỏ mộng thịt.
Phẫu thuật bao gồm loại bỏ phần mộng mắt đồng thời ghép màng kết lên vị trí phẫu thuật để hạn chế khả năng tái phát của mộng thịt. Màng kết này thường từ mắt của chính bệnh nhân (màng kết tự thân). Màng kết tự thân này có thể được khâu vào hay dán vào bằng keo fibrin. Khả năng tái phát của mộng thịt sau phẫu thuật dùng màng kết tự thân thấp.